Nghị quyết xác định những quan điểm phát triển du lịch tỉnh Cà Mau tập trung các nội dung cơ bản phát triển du lịch nhanh, đồng bộ và vững chắc; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh gắn với việc bảo đảm an ninh - quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đặt trong mối quan hệ liên kết với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh để tạo thị trường khách du lịch ổn định theo hướng phát triển bền vững.
Dựa trên các điểm du lịch và điều kiện hiện có, không gian quy hoạch phát triển du lịch được xác định là: không gian Trung tâm gồm thành phố Cà Mau và một số khu vực phụ cận (chợ nổi, chợ Cà Mau, miệt vườn Tân Thành, đình Tân Hưng, chùa Quan Âm cổ tự, cụm Khí – Điện – Đạm…); không gian phía Tây gồm huyện U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân (Vườn Quốc gia U Minh hạ, hòn Đá Bạc, hòn Chuối, Khu căn cứ Tỉnh uỷ, Lễ hội Nghinh Ông…); không gian phía Nam gồm Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi (Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Khu du lịch Khai Long, Bến Vàm Lũng, Hòn Khoai…); không gian phía Bắc huyện Thới Bình (Khu xứ uỷ Nam Bộ - Trung ương Cục miền Nam, Phủ thờ Bác, Đền thờ Vua Hùng…). Trong đó, các điểm đến trọng tâm, làm điểm nhấn để từ đó phát triển du lịch toàn diện được xác định là Khu du lịch Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh hạ và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Nghị quyết đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ đón 1,2 triệu lượt khách nội địa và 30 ngàn lượt khách quốc tế. Tương ứng, năm 2020 là 1,7 triệu và 50. Đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 2,8 triệu và 110 ngàn. Nâng tổng mức doanh thu từ ngành công nghiệp không khói này lên 600 tỷ đồng vào năm 2015, 1.350 tỉ đồng vào năm 2020 và đến năm 2030 sẽ là 3.750 tỉ đồng.
Để thực hiện đạt các mục tiêu trên, HĐND tỉnh xác định nhiệm vụ trước mắt là căn cứ vào quy hoạch tổng thể để xây dựng các dự án và có kế hoạch cụ thể thực hiện trong từng năm. Trong đó, tập trung tối đa vào đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ cho ngành du lịch; ưu tiên triển khai thực hiện hoàn chỉnh các dự án giao thông, nhà hàng, khách sạn, thông tin liên lạc, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, môi trường… nhằm tạo nền tảng vững chắc để từ đó phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó, có chính sách đào tạo, thu hút cán bộ quản lý có chuyên môn, hiểu biết về nghiệp vụ du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp, địa phương và ngành du lịch để hoạt động du lịch phát triển toàn diện và đồng bộ.
Thanh Mộng